HOT GIRL "HOA THANH QUẾ' TRẦN VŨ QUỲNH ANH

[QUỲNH ANH][bsummary]

NỮ HOÀNG NỘI Y

[NGỌC TRINH][twocolumns]

Cuộc trò chuyện độc quyền với cụ Lê Đình Kình

“Dân làng tôi biết ơn ông Chung vì giải quyết mọi chuyện mang tính chất tình người”

“Việc chúng tôi khiếu nại về đất đai kéo dài, thứ nhất là để làm trong sạch Đảng bộ xã Đồng Tâm, hai là đòi quyền lợi cho nhân dân. Đất đai là tư liệu sản xuất của nông dân nhưng bị xâm phạm thì phải đấu tranh. Cuối cùng là để củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền”, cụ Lê Đình Kình cho biết.

“9 lần Chủ tịch thành phố tới thăm tôi ở viện”

Là một trong những cao niên lớn tuổi ở làng Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), có 40 năm tham gia công tác địa phương, cụ Lê Đình Kình (82 tuổi) được dân làng yêu mến, tin tưởng, kính trọng, coi như là một “pho sử làng”. Sau thời gian điều trị, được xuất viện về quê, cụ Lê Đình Kình đã có cuộc trò chuyện với PV Báo TT&ĐS.

- PV: Thưa cụ, sức khỏe của cụ sau khi xuất viện như thế nào?

- Cụ Lê Đình Kình: Tôi cảm thấy rất tốt, đang hồi phục từng ngày. Tôi mong muốn sớm được đi lại để tiếp tục các công việc thường ngày. Về quê, có con cháu và có bà con dân làng, cảm thấy gần gũi, ấm cúng hơn.

- Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung có chia sẻ với bà con, dân làng Đồng Tâm tại buổi đối thoại ngày 22/4, là đã đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cùng các chuyên gia hàng đầu chăm lo cho sức khỏe của cụ. Cụ có biết điều đó không?

- Ngày 15/4, tôi được kiểm tra tại Bệnh viện 108 vì gãy xương đùi. Hôm sau, ông Nguyễn Đức Chung đến thăm, có ý kiến phải đưa tôi sang Bệnh viện Việt Đức để được chăm sóc tốt nhất. Viện trưởng giao 3 giáo sư trực tiếp mổ, tôi rất ghi nhận điều này.

Tôi có nói với ông Chủ tịch là cho tôi về quê để điều trị bằng phương pháp Đông y, vì ở quê tôi có thầy lang điều trị xương rất giỏi, rất uy tín, người dân làng tôi bị gãy tay, gãy chân vẫn hay đắp lá, điều trị theo phương pháp này…

Tuy nhiên, ông Chung khuyên tôi ở lại Bệnh viện Việt Đức bởi đây cũng là bệnh viện lớn nhất nước, đặc biệt điều trị về xương rất giỏi. Có lẽ, cũng vì thế mà sức khỏe tôi phục hồi nhanh như bây giờ.

Nửa tháng nằm viện, ông Chung đến gặp tôi 9 lần. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ công an, Giám đốc công an TP. Hà Nội cũng đến thăm và động viên mau chóng khỏe để hợp tác giải quyết vụ việc.

- Từ năm 2013, 2014, cụ cùng “Tổ đồng thuận” đại diện bà con gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo các lãnh đạo xã lợi dụng quyền hạn, chức vụ để chiếm dụng, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích ở địa phương. Sự việc cũng đã được giải quyết, tuy nhiên bà con vẫn chưa đồng ý hoàn toàn. Trong những nguyện vọng đó, có nguyện vọng là người dân được gặp gỡ người đứng đầu thành phố để gửi gắm tâm nguyện. 9 lần Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tới thăm, cụ có tranh thủ nói câu chuyện với ông Chung hay không?

- Mấy năm qua, tôi chỉ mong một lần được gặp trực tiếp lãnh đạo thành phố nhưng không có cơ hội. Lúc nằm viện cũng là lần đầu tiên tôi gặp ông Chung. Khi chưa mổ, vì tuổi cao sức yếu, có lúc tôi xác định mình sẽ không còn đủ minh mẫn, tỉnh táo nên cố gắng tận dụng hết thời gian tiếp xúc để trao đổi về sự việc, mong muốn của người dân, bức xúc về đất đai suốt một thời gian dài.

Hôm 16/4, tôi trình bày nguyện vọng thả những người dân thôn Hoành, ông Chung đồng ý. Ông cũng thông báo việc người dân giữ 38 cán bộ, công an sau khi tôi bị đưa đi và đề nghị tôi nói chuyện với bà con để hợp tác giải quyết sự việc.

Ông Chung liên tục trao đổi, gặp trực tiếp hoặc gọi điện để thông báo lẫn nắm tình hình. Tôi vẫn liên lạc với gia đình, có con cháu vào thăm và nắm được diễn biến ở Đồng Tâm. Khi vào viện, Chủ tịch Chung hứa sẽ về Đồng Tâm để giải quyết.

Tôi nói với ông ấy rằng, trong bối cảnh ở Đồng Tâm có nhiều thành phần phức tạp xâm nhập nên có lực lượng bảo vệ đi cùng vì Chủ tịch là linh hồn của thành phố. Còn bản chất người dân ở đây là ứng xử có văn hóa.

Tôi nằm viện nhưng vẫn biết bà con ở nhà mua giò, bánh mì cho các chiến sĩ cảnh sát ăn. Chính ông Chung cũng nói với tôi, những người bị giữ được đối xử tốt, không ai bị đánh đập, lăng mạ. Gần như ngày nào ông Chung cũng vào bệnh viện với tôi, đến thăm hỏi sức khỏe, bàn bạc một số công việc.

Tôi cũng yêu cầu ông Chung làm đúng 2 việc, nó là nút thắt, nếu sự việc được giải quyết thì vấn đề sẽ được tháo gỡ. Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng ra quyết định số 551/TM thông báo sẽ thu hồi 50,03ha đất quốc phòng tại sân bay Miếu Môn giao cho Quân chủng Phòng không không quân quản lý để giao cho Viettel.

Thứ nhất, Quân chủng Phòng không không quân đứng ra bàn giao đất quốc phòng, chứ không phải UBND huyện Mỹ Đức. Thứ hai, Viettel nhận đúng chỗ đất được bàn giao, sẽ giải quyết được cái nút thắt.

- Cụ có bất ngờ trước sự việc dân làng bắt giữ trái phép các cán bộ chiến sỹ đang thực thi công vụ không?

- Tôi có biết được sự việc ấy qua những lần các con vào thăm nom và qua thông tin Chủ tịch Chung cung cấp. Dù rất bất ngờ nhưng tôi hiểu nguồn cơn, nguyên nhân sự việc. Bà con bức xúc trước việc chúng tôi bị đưa lên xe bắt đi. Đây là hành động thể hiện sự bức xúc giống như giọt nước tràn ly, chứ không phải sự chống đối, chống phá chính quyền như các trang mạng phản động đã đưa tin.

- Việc ông Nguyễn Đức Chung về đối thoại với bà con và đưa ra những quyết sách ngay tại Đồng Tâm, cá nhân cụ cảm nhận như thế nào về những quyết sách này?

- Tôi ghi nhận và cảm ơn ông Chung. Dân làng tôi biết ơn ông Chung vì đã không truy cứu trách nhiệm hình sự dân làng về việc giữ người trái phép. Tôi thấy, ở đây là việc giải quyết mang tính chất tình người. Đó cũng là mong muốn, tâm nguyện của người dân.

Bà con sai nhưng cái sai do những bức xúc bột phát mà có. Còn đối với những việc khác liên quan đến khiếu kiện đất đai, tôi nhất trí với ông Chung là chờ quyết định thanh tra, đến 20/6 sẽ giải quyết. Ông Chung cũng có nói trước khi ra quyết định thanh tra sẽ về làm việc với chúng tôi để giải đáp mọi khúc mắc.

- Cụ có thể cho biết thêm về câu chuyện đất đai, vấn đề mà cụ cùng bà con tranh đấu trong nhiều năm qua?

- Cái này liên quan đến nội dung “đất quốc phòng”. Theo lịch sử, trước đây khi chưa có sân bay Miếu Môn, hợp tác xã Đồng Tâm quản lý, sử dụng khu đất này. Khi có dự án sân bay, chỉ có một phần diện tích là đất quốc phòng, phần tiếp giáp vẫn là đất nông nghiệp.

Hợp tác xã có cho một số hộ dân mượn đất để làm nhà với cam kết kèm theo, khi nào đòi đất thì phải trả lại đất, chỉ được mang tài sản trên đất (nhà cửa, cây cối hoa màu…) đi thôi. Nhưng theo thời gian, các hộ này đã mua đi bán lại cho các chủ khác, chính quyền xã xác nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ…

Đó là những việc sai trái trong sử dụng đất nông nghiệp và quản lý đất đai ở địa phương. Vì biết được điều đó nên bà con đấu tranh.

Một việc nữa, khi UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi đất của 14 hộ dân đang sinh sống, làm việc trên đất quốc phòng sân bay Miếu Môn để bàn giao cho Viettel nhưng họ lại yêu cầu 14 hộ dân khác đang sống trên đất nông nghiệp bàn giao, chứ không phải khu vực đất quốc phòng.



Tôi chỉ yêu cầu làm rõ đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp. Đất quốc phòng thì không liên quan đến huyện Mỹ Đức. Đó là yêu cầu tối thiểu, đất đai là công thổ quốc gia do Nhà nước quản lý, giao cho nhân dân sử dụng.

Khi Nhà nước cần đến để xây dựng bất kể công trình chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng thì cần có quyết định thu hồi. Nếu là đất quốc phòng, các anh đưa quyết định thu hồi đất ra chúng tôi không can thiệp gì cả.

Tôi cũng nói với ông Chung, chúng tôi rất tin tưởng. Từ xưa đến nay, người dân chúng tôi chỉ mong được gặp các vị lãnh đạo để trình bày tâm tư nguyện vọng của mình và lần này, rất may đã gặp được đồng chí Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Khi tôi nằm viện, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an TP. Hà Nội và một số đại diện Sở ban ngành, Đại biểu quốc hội đến thăm. Dù nằm viện nhưng tôi cố gắng tận dụng hết thời gian để có thể làm việc, có thể nói là làm việc còn hiệu quả hơn cả thời gian còn khỏe mạnh ở nhà. 4h30 chiều xuất viện thì sáng tôi làm việc, đến trưa cũng vào làm việc đến 4h15 mới kết thúc để ra về.

Đây là thời cơ hiếm có, bởi từ trước đến giờ mình chỉ mong gặp được các đồng chí lãnh đạo mà không gặp được. Tôi bị từ 11h00 ngày 15/4, mà đến 17h00 ngày 17 tôi mới lên bàn mổ, tức là sau 77 tiếng. Thời gian còn lại tôi dành tập trung để làm việc.

“Không ai ép người đứng đầu thành phố làm vậy”

- Cuộc đối thoại của Chủ tịch Chung với người dân thôn Hoành ngày 22/4, trong đó có bản cam kết gồm 3 điều là làm rõ đất tại khu vực đồng Sênh có phải đất quốc phòng, không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc ngày 15/4 và điều tra đúng sai việc bắt cụ. Cụ nghĩ thế nào về bản “cam kết” này?

- Bản cam kết có chữ ký, không có con dấu mà điểm chỉ, đây là một quyết định vì dân của ông Chung, bởi không ai ép được một vị chủ tịch thành phố làm việc đó. Đây chính là tinh thần vì đại cuộc. Chủ tịch Chung hứa giải quyết công tâm, truy đến cùng nguồn cơn sự việc. Tôi đồng ý với ông Chung rằng việc nào đi việc ấy.

Lãnh đạo thành phố khi vào thăm đều nói rằng: "Tiếng nói của cụ quan trọng với người dân Đồng Tâm nên sau khi ra viện cố gắng ổn định tinh thần người dân. Còn những việc khác vẫn phải giải quyết theo trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Đó mới là việc làm cần thiết của những người có hiểu biết, được nhân dân tin tưởng".

Qua sự việc của Đồng Tâm, có thể thấy cần đảm bảo quyền lợi khiếu nại, tố cáo của người dân. Nhưng người khiếu nại tố cáo cũng cần thu thập chứng cứ thuyết phục để không tốn công sức mà đạt hiệu quả cao. Một điều nữa là không nên manh động sẽ dễ biến cái đúng thành cái sai.

Việc chúng tôi khiếu nại về đất đai kéo dài, thứ nhất là để làm trong sạch Đảng bộ xã Đồng Tâm. Hai là đòi quyền lợi cho nhân dân. Đất đai là tư liệu sản xuất của nông dân nhưng bị xâm phạm thì phải đấu tranh. Cuối cùng là để củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Phòng và chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không chỉ riêng ai, không có vùng cấm, quan với dân bình đẳng.

- Năm 2016, huyện Mỹ Đức đã có các quyết định xử lý cán bộ sai phạm, cách chức, khai trừ Đảng 6 cán bộ nguyên là các chức danh chủ tịch, bí thư, trưởng một số ban ngành của xã Đồng Tâm. Ba cán bộ bị khởi tố cũng từ những đơn thư tố cáo của người dân. Sự việc này, cụ đón nhận như thế nào?

- Đó là điều chúng tôi trông chờ ở sự nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật. Ai sai, ai đúng đều pháp luật phân xử. Tuy nhiên, đó mới là một phần nhỏ của câu chuyện, vẫn còn rất nhiều sự việc khác chưa được giải quyết.

- Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở thôn Hoành, cụ được người dân tin tưởng, kính trọng nhất mực. Huyện Mỹ Đức thời điểm năm 2015 – 2016, ngoài xử lý cán bộ sai phạm cũng đã chia thêm ruộng đất cho các hộ dân từ quỹ đất 5% bị một số cá nhân “kênh khống” lên để chiếm dụng trái phép. Gia đình cụ có được chia thêm nhiều đất từ quỹ đất bị chiếm dụng này hay không?

- Khi chúng tôi đấu tranh làm rõ những nội dung này, Bí thư huyện Mỹ Đức khi đó đã trực tiếp chỉ đạo. Huyện ủy, Ủy ban huyện Mỹ Đức đã có kết luận về việc chiếm dụng trái phép hàng ngàn m2 đất ở vị trí mặt đường tỉnh lộ 429, tự ý “bỏ riêng” một phần lớn diện tích vào quỹ đất 5% để chia nhau sử dụng…

Không những thế, các lãnh đạo xã Đồng Tâm còn sử dụng sai mục đích, tiến hành xây dựng nhà cửa, trang trại, cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuê mặt bằng… trên đất hoa màu. Trong khi đó, rất nhiều người dân địa phương không có đất nông nghiệp để sản xuất.

Cả xã có gần 10.000 dân nhưng số khẩu được chia ruộng đất canh tác là hơn 7.000 khẩu, trong đó, mỗi khẩu được chia 230m2 đất lúa và 134m2 đất trồng màu. Số khẩu còn lại, trong đó các cháu ở độ tuổi sinh năm 1995 trở về sau, thuộc diện không được chia đất canh tác, không có ruộng.

Ngày 23/5/2014, Thanh tra huyện Mỹ Đức đã có Thông báo số 65 về kết quả điều tra theo đơn thư tố cáo của người dân. Ngày 01/8/2014, Thanh tra huyện Mỹ Đức tiếp tục có thông báo số 95 vẫn về việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân.

Trong hai thông báo này, Thanh tra huyện Mỹ Đức kết luận: Nhiều nội dung tố cáo của người dân là có cơ sở. Trong một thời gian dài, lãnh đạo xã Đồng Tâm đã buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, sử dụng đất sai mục đích… gây bức xúc dư luận.

Diện tích đất thu hồi này, huyện sẽ chỉ đạo chia cho các tổ, đội sản xuất, chia cho các hội viên để bổ sung đất sản xuất cho bà con nông dân. Đây là điều mà chúng tôi mong đợi. Và tôi mong đợi hơn cả là sự minh bạch và công bằng.

Chúng tôi đi khiếu nại tố cáo lên cấp trên, mong muốn gặp được các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bây giờ Đảng vẫn đang lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phải gặp được các vị lãnh đạo mới chính xác, thể hiện được nguyện vọng của mình.

Cụ Kình rất minh mẫn, được người dân Đồng Tâm coi như “linh hồn” của làng

Trong số các cụ cao niên của thôn Hoành, xã Đồng Tâm, cụ Lê Đình Kình là một trong số những người đang ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn giữ được sự anh minh, tỉnh táo. 82 tuổi, 60 năm tuổi Đảng, cụ Kình có 40 năm công tác ở địa phương, đã từng kinh qua nhiều chức vụ, từ tổ trưởng tổ thủy lợi, chủ nhiệm hợp tác xã, xã đội trưởng, công an xã, chủ tịch, bí thư xã Đồng Tâm giai đoạn trước những năm 90.

Có thâm niên lâu năm công tác ở ủy ban xã, cụ Kình là một trong số ít người hiểu rõ nguồn cơn, lịch sử gốc rễ của từng xứ đồng nơi này. Có lẽ cũng vì thế, cụ được dân làng tin tưởng, bầu là người đứng đầu trong “tổ đồng thuận” đại diện cho người dân thảo đơn thư khiếu tố lên các cấp để làm rõ lai lịch của những khu đồng đất quê mình.

Thuở ấy, cùng với xã viên, cụ Kình lăn lộn khai hoang vỡ đất, lập nên những xứ đồng cho làng. Thế nên, dù là một xã nông nghiệp thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Đồng Tâm có diện tích đất nông nghiệp lên tới cả ngàn ha.

Đất khai hoang trồng màu, được gọi là đất loại hai, loại ba. Đất loại 1 là những bờ xôi ruộng mật được giữ để chuyên canh lúa. Các hộ xã viên, ngoài đất trồng lúa chia theo khẩu, còn có thêm đất loại 2, loại 3 được chia đều cũng từ nguồn đất khai hoang, mở rộng mà có.

Bởi có quỹ đất rộng như thế, nên khi có dự án xây dựng trường bắn, xã hiến trả Nhà nước 300ha, sau đó là các dự án như trại bò, sân bay Miếu Môn… đều được xây dựng tại Đồng Tâm mà người dân không nhận bất kỳ một khoản đền bù nào.

Ngoài nông nghiệp, làng có nghề thêu, mỗi nhà có đôi ba khung thêu. Đàn ông lo việc đồng áng, phụ nữ hết ngày mùa vụ, dỡ khung ra thêu để có thêm thu nhập.

Năm 1987, cụ nghỉ hưu. Nhưng cụ khái tính, cương trực vẫn lao động sản xuất, không lệ thuộc vào con cái. Vợ chồng cụ sống trong nếp nhà cấp 4 xây từ những năm 90 của thế kỷ trước, vẫn là một “hộ cá thể” riêng biệt.

Cụ bà chăm chút vườn rau, cụ ông chăm một con bò, vừa để lấy sức kéo, vừa là “gia sản” của hai ông bà lão cả đời gắn bó với mảnh đất, thửa ruộng thôn Hoành. Ông Lê Đình Công (con cả của cụ Kình) kể: “Năm lần bảy lượt, anh em con cháu đến xin ông bà về ở cùng để con cháu được phụng dưỡng, nhưng nhất quyết hai cụ không chịu.

Thế là, mấy anh em chúng tôi tập trung ăn cơm ở nhà bố mẹ, rồi công việc, ngủ nghê thì nhà nào về nhà nấy”. Hơn một tháng trước, gia đình ông Công chào đón đứa cháu trai. Nó là đứa chắt nội thứ hai của cụ Kình. “Chắt nội đích tôn thì ông mới có hai đứa, chứ cháu nội ngoại thì nhiều lắm rồi”, ông Công nói.

Năm đứa con thứ 4 được vài ba tuổi, vợ cụ Kình qua đời. “Gà trống nuôi con”, cụ vẫn tham gia công tác xã hội và vẫn đi biền biệt. Ông Lê Đình Công khi đó thay cha trông nom các em. Cảnh nhà nheo nhóc, không thể thiếu bàn tay phụ nữ vun vén. Con cái giục bố đi bước nữa.

Khoảng năm 1979, cụ Kình lấy bà hai, người trong làng. Bà hai cũng sinh cho cụ bốn người con, giống như bà cả - một trai đầu và ba cô con gái. Bây giờ, tất cả đều đã phương trưởng, có gia đình riêng và vẫn hòa thuận, hiếu thảo với vợ chồng cụ.

Năm ngoái, 8 người con đã chung nhau dựng cho vợ chồng cụ nếp nhà mới, ở ngay đầu thôn Hoành. Đó là ngôi nhà mà ông Dương Trung Quốc và ông Lưu Bình Nhưỡng, khi về Đồng Tâm ngày 22/4, cùng ghé vào để trò chuyện, gặp gỡ đại diện bà con.

Anh Lê Đình Doanh (cháu trai của cụ Kình) thật thà: “Ông nội em nhìn râu tóc bạc trắng thế thôi, chứ thử bóp vai cụ, thấy vẫn còn gân guốc như thanh niên. 82 tuổi mà ông bà em vẫn làm, con cháu gàn kiểu gì cũng không nghe, thế là chúng em phải chịu”.

Theo TT&ĐS.

No comments:

Post a Comment

QUÂN NOVALAND - TRÙM CON BIẾN THÁI

[Bùi Cao Nhật Quân][bigposts]